RSS

Gánh nặng ngàn cân [Kinh tế Tây Ban Nha]

16 Feb

Thủ tướng Tây Ban Nha đã thay đổi chính kiến một cách miễn cưỡng nhằm tiến hành khôi phục kinh tế, nhưng có lẽ điều này đến quá muộn.

Nằm trong một khu đất bỏ hoang ở thành phố Madrid, ga tàu điện ngầm Pitis được coi như một chứng tích về sự sụp đổ của thị trường bất động sản. Chẳng ai thèm quan tâm đến việc xây dựng nhà ở quanh đây cả. Đường xá, vỉa hè và đèn hiệu giao thông là những hạng mục sắp được triển khai – nhưng thế rồi bong bóng bất động sản bỗng nổ tung. Ở một đất nước với 700.000 căn hộ mới bị đóng băng thì quyền xây dựng nhà ở trở nên rất nhạt nhòa.

 

Ga tàu Pitis vắng tanh chính là minh chứng cho sự ảm đạm của nền kinh tế Tây Ban Nha. Đó cũng chính là một bằng chứng cho thấy rằng Thủ tướng Zapatero đã sai lầm khi đổ lỗi cho tình trạng bất ổn về kinh tế là do suy thoái toàn cầu, con số thất nghiệp 20% là do ảnh hưởng từ nước Mỹ ở bên kia Đại Tây Dương. Bản thân Tây Ban Nha đã mắc phải nhiều vấn đề của chính quốc gia này, bắt nguồn từ những khoản vay chết người dành cho lĩnh vực xây dựng. Và điều đó đã bị cơn bão khủng hoảng đồng euro hành hạ không thương tiếc. Ông Zapatero liệu đã thấy trước được kết cục này?

 

Trong những phát biểu gần đây của mình, dường như ông đã hiểu được vấn đề. Vị Thủ tướng tuyên bố quyết tâm cải cách mới. “Có điều gì đó còn tồi tệ hơn cả sự thiếu đồng lòng rộng rãi về việc làm thế nào để thực hiện cải cách và điều đó, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, chính là thiếu biện pháp cải cách”.

 

Ông Zapatero cam kết cải cách các khoản trợ cấp trước 28/1 và thị trường lao động trước 18/ 3/2011. Những quy định minh bạch mới mẻ trong ngành ngân hàng, nhằm đưa ra ánh sáng các khoản nợ xấu ở lĩnh vực xây dựng hay bất động sản không bán được, đều rất thích hợp. Các quy định này cũng được áp dụng tương tự ở những quốc gia trong khu vực hiện đang có tỷ lệ chi tiêu công cao. Các nghiệp đoàn, doanh nghiệp và chính phủ bắt đầu đối thoại không ngừng để xem liệu họ có thể nhất trí về các biện pháp cải cách hơn nữa về thị trường lao động. Một số nhà phân tích lạc quan tin tưởng rằng Tây Ban Nha cuối cùng cũng đã vượt qua giai đoạn khó khăn của mình.

 

Việc ông Zapatero sẵn sàng cải cách cũng là do một số nguyên nhân. Một thỏa thuận với Đảng Chủ nghĩa Dân tộc xứ Basque (PNV – Partido Nacionalista Vasco) đồng nghĩa với việc chính phủ thiểu số của ông sẽ tồn tại đến cuộc bầu cử vào đầu năm 2012. Việc thăng cấp của Bộ trưởng Bộ Nội vụ – ông Alfredo Perez Rubalcaba – thành Phó Thủ tướng vào tháng 10 vừa qua đã giúp ông có được một vị phó đầy năng lực. Zapatero có thể tùy chọn giã từ chiếc ghế thủ tướng. Và như vậy, ông Rubalcaba dường như chắc chắn là người tiếp quản chiếc ghế này cũng như lãnh đạo Đảng Xã hội Tây Ban Nha.

 

Nhưng con đường phục hồi của Tây Ban Nha vẫn đầy rẫy những khó khăn và thách thức. Sụt giảm giá nhà ở chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Bong bóng vỡ ra mới phơi bày tình trạng ngập sâu của Tây Ban Nha vào thị trường xây dựng, mà đỉnh cao chiếm đến 13% số lượng việc làm. Điều này cũng phơi ra tính cạnh tranh uể oải của nền kinh tế. Theo một nghiên cứu của FEDEA-McKinsey, tính cạnh tranh của Tây Ban Nha đã giảm 33% so với Đức trong 10 năm, tính đến năm 2009. Chuyển hướng cải cách của Zapatero có thể đúng đắn nhưng điều này đến quá muộn và có thể không kéo dài được.

 

Nhu cầu cải cách và giảm chi tiêu công là rất cấp bách. Khi Bồ Đào Nha chao đảo và sắp được cứu trợ tài chính thì Tây Ban Nha như ngồi trên lửa. Các thành viên trong khối đồng tiền chung châu Âu đang tìm những phương cách triệt để hơn để cứu chữa cho khủng hoảng nợ của mình, trong đó Tây Ban Nha đang có rủi ro cao nhất. Chính quyền của Zapatero muốn các thành viên hỗ trợ nhiều hơn nữa, nhưng trước hết bản thân Tây Ban Nha phải tự tìm cách cứu mình.

 

Bà Elena Salgado, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã hạn chế bớt thâm hụt ngân sách từ 11,1% của GDP năm 2009 xuống dưới 9,3% năm 2010. Nợ công của Tây Ban Nha ở dưới mức trung bình của khu vực sử dụng đồng euro và thấp hơn cả của Mỹ và Anh. Tuy nhiên, ngoài những quan ngại về những khoản nợ xấu chưa được minh bạch hiện do các ngân hàng tiết kiệm nắm giữ, các nhà đầu tư coi sự thiếu tăng trưởng như là vấn đề đáng quan tâm. Mâu thuẫn được đặt ra là: để đạt sự tăng trưởng tích cực thì Tây Ban Nha cần cải cách sâu rộng hơn; tuy nhiên, giảm chi tiêu công có nghĩa kiềm chế tăng trưởng.

 

Những thay đổi về trợ cấp ít ra cũng đem lại hiệu quả. Tuổi về hưu được điều chỉnh từ 65 lên 67. Nhưng người ta cần nhiều hơn nữa những cải cách về lao động. Ông đặt ra lịch trình cho các nghiệp đoàn và doanh nghiệp chậm nhất là đến ngày 18/3/2011 phải cùng nhau thống nhất những thay đổi về hệ thống thương lượng tập thể linh họat. Điều này đã từng làm cho các thỏa thuận về chế độ lương bổng vượt quá lạm phát năm 2009, tuy nhiên mức độ hiện nay đang ở dưới con số lạm phát. Đồng thời, chính phủ phải hoàn thành cải cách thị trường lao động mà tháng 6 năm ngoái đã đề ra bằng việc chỉ rõ các công ty làm ăn thua lỗ đã sa thải công nhân như thế nào.

 

Vậy mà các nghiệp đoàn vẫn còn dè dặt. Zapatero đã cho thấy ông có thể hành động mà không cần đến họ. Vị Thủ tướng đã chèo lái vượt qua cuộc tổng đình công tháng 9 vừa rồi. Giờ đây các nghiệp đoàn và chính phủ đều muốn đạt được một thỏa ước quan trọng, bao gồm cả các doanh nghiệp và đảng đối lập, để trở lại với những cải cách. Các doanh nghiệp cũng bày tỏ thiện ý còn các nghiệp đoàn vẫn hy vọng tình hình sẽ lắng xuống. “Điều tôi lo ngại đó là với thỏa ước này, ông ấy [Zapatero] sẽ từ bỏ cải cách”, Luis Garicano của trường Kinh tế London đã bày tỏ.

 

Trong quá khứ, chính phủ đã tiến hành cải cách một cách chậm chạp. Cái được gọi là luật kinh tế bền vững, mà ông Zapatero đề cập đến vào tháng 5/2009, vẫn còn chưa được quốc hội bật đèn xanh. Đầu tiên Zapatero đặt ra vấn đề nghỉ hưu ở tuổi 67 tháng 1 vừa qua. Nhưng giờ đây ông còn quyết tâm hơn. Nếu ông có thể dựa vào các nghiệp đoàn và doanh nghiệp thì công cuộc cải cách sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nước Đức được coi là một tấm gương để noi theo, trong khi nền kinh tế xuống dốc vào năm 2009 thì sau đó đạt tăng trưởng 3,6% vào năm ngoái.

 

Ông Zapatero cũng đang cố gắng cứu lấy đảng Xã hội của mình, trước đó đã vượt đảng bảo thủ Nhân dân đối lập trong các cuộc thăm dò ý kiến vừa qua. Cải cách sâu rộng có thể sẽ giúp cho đảng Xã hội phục hồi trước năm 2012. “Thời gian dành cho sự lãng phí đã hết”, ông Mariano Rajoy – lãnh đạo đảng Nhân dân đối lập – đã tuyên bố. Liệu ông sẽ ký kết một thỏa ước quốc gia? Rajoy muốn chính phủ rơi vào cảnh thiếu sự ủng hộ của quần chúng trong công cuộc cải cách. Nhưng Zapatero thì lại không việc gì phải chờ đợi Rajoy hay các nghiệp đoàn cả. Bởi ngay lúc này đây Zapatero đang nắm trong tay cơ hội ngàn vàng để thực hiện vai trò của mình một cách táo bạo./.

 

Tags: , , , , , , , , ,

Leave a comment